Dân trí Bộ GD-ĐT vừa đưa ra báo cáo tổng hợp và tiếp thu, giải trình
các ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Chương trình giáo dục phổ
thông tổng thể. Theo bản báo cáo này, Bộ GD-ĐT khẳng định: Lịch sử vẫn
là nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh phổ thông.
Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, dự thảo chương trình (CT) tổng
thể, ở trung học phổ thông (THPT), môn Công dân với Tổ quốc là một
trong 4 môn học bắt buộc, tích hợp của 3 phân môn: Đạo đức - Công dân,
Lịch sử và Quốc phòng - An ninh; đáp ứng yêu cầu cơ bản của CT giáo dục
phổ thông (GDPT) mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học
sinh; định hướng giá trị công dân (quyền và nghĩa vụ), hội nhập quốc tế;
tuân thủ Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; các kiến thức phổ thông nền
tảng được hoàn thành ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở, ở cấp THPT
là định hướng nghề nghiệp, có ít môn học bắt buộc, dành thời gian cho
các môn học và chuyên đề học tập tự chọn. Như vậy, nội dung giáo dục
Lịch sử, Quốc phòng - An ninh là các nội dung giáo dục bắt buộc đối với
tất cả học sinh cấp THPT.
Lịch sử vẫn là nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh phổ thông
Ngoài ra, ở cấp THPT, học sinh còn được tự chọn học Lịch sử ở môn Khoa
học Xã hội (là môn học dành cho những học sinh có thiên hướng về các
ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Công nghệ) hoặc môn Lịch sử
(TC2) và một số chuyên đề học tập mở rộng, chuyên sâu về Lịch sử (TC3)
(là môn học và chuyên đề học tập dành cho học sinh có thiên hướng về
khoa học xã hội và nghệ thuật). Đồng thời, nội dung này còn được giáo
dục tích hợp trong các môn học khác nữa. Lưu ý rằng trong CT GDPT hiện
hành các nội dung này bị trùng lặp trong nhiều môn học khác nhau, CT
GDPT mới sẽ khắc phục nhược điểm này.
Băn khoăn về hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Một trong những ý kiến băn khoăn trong góp ý dự thảo là mối quan hệ
giữa Hoạt động trải nghiệm sáng tạo với các môn học trong CT GDPT mới;
giữa Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên
lớp, hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục hướng nghiệp, nghề phổ
thông trong CT GDPT hiện hành.
Giải đáp băn khoăn này Bộ GD-ĐT
cho biết: Trong dự thảo CT tổng thể, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cùng
với các môn học và Chuyên đề học tập được thiết kế thành một hệ thống
bảo đảm tính thống nhất và cân đối nội dung giữa giai đoạn giáo dục cơ
bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, giữa các lĩnh vực giáo
dục và giữa các lớp học, cấp học. Theo tinh thần tăng cường tính thực
tiễn, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ
năng, trong hoạt động dạy học các môn học đều phải coi trọng hoạt động
trải nghiệm.
Với tiếp cận trải nghiệm là một trong các phương
thức giáo dục, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng
giáo dục riêng và dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Như vậy,
trong CT GDPT mới, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có vị trí, vai trò
như một môn học; CT Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cũng được xây dựng
riêng và có đủ các thành tố như các CT môn học khác. Trong CT GDPT mới,
các CT môn học và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có điểm chung là giúp
học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã
học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực
tiễn cuộc sống một cách sáng tạo.
Nội dung Hoạt động trải
nghiệm sáng tạo trong CT GDPT mới được xây dựng theo các mô đun, trong
đó có một số mô đun bắt buộc và các mô đun tự chọn (TC3); các mô đun
mang tính chất mở, tương đối độc lập với nhau và dựa trên các lĩnh vực
của đời sống kinh tế, sản xuất, khoa học công nghệ, giáo dục, văn
hoá, chính trị xã hội,... của địa phương, vùng miền, đất nước và
quốc tế để học sinh và nhà trường lựa chọn, tổ chức thực hiện một
cách phù hợp, hiệu quả. Nội dung các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên
lớp, hoạt động tập thể (sinh hoạt lớp, sinh hoạt trường, sinh hoạt Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, sinh hoạt Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh) và hoạt động giáo dục hướng nghiệp, nghề phổ thông trong CT
GDPT hiện hành sẽ được nghiên cứu để tích hợp vào CT Hoạt động trải
nghiệm sáng tạo và các CT môn học khác trong CT GDPT mới.