Xem
xét lời khuyên dưới đây của một chuyên gia thuộc tổ chức khảo sát nghề
nghiệp của Mỹ, có thể bạn sẽ thấy thoải mái hơn trong khi chọn cho mình
chuyên ngành đại học.
Bạn sẽ làm gì trong 20 năm nữa kể từ bây giờ? Hãy thử trả lời câu hỏi
đó. Dựa vào những gì bạn biết về bản thân mình, cộng với những thay đổi
của xã hội, liệu bạn có thể dự đoán chính xác thế giới xung quanh mình
sẽ như thế nào và bạn sẽ đóng vai trò gì trong đó?
Những cảnh báo của bố mẹ, các nhà tư vấn và thậm chí các phương tiện
truyền thông nói rằng bất cứ chuyên ngành nào bạn chọn học sẽ là ngành
mà cuối cùng bạn sẽ làm. Điều này khiến bạn phát hoảng bởi vì bỗng dưng
không phải là bạn đang chọn một ngành học, mà là bạn đang chọn định mệnh
cuộc đời mình.
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Nathan Gebhard chia sẻ: Những gì mà tôi
ước mình được biết khi học đại học, đó là sự thật rằng công việc của mọi
người được dịch chuyển theo những cách không đoán trước được. Tôi rút
ra điều này không phải chỉ từ những số liệu thống kê, mà còn từ việc
trao đổi với hàng ngàn người trong những cuộc đối thoại thẳng thắn về
công việc, cuộc sống và những điều quan trọng với họ.
Với bản thân tôi, phải đến khi học xong đại học, tôi mới nhận ra rằng
tôi không có đủ kiến thức để quyết định làm gì với cuộc đời của mình.
Cùng với hai người bạn cùng cảnh, tôi bắt đầu chuyến hành trình tự khám
phá, tìm ra những người đã tìm thấy lĩnh vực họ yêu thích và hỏi họ xem
họ đã làm được điều đó như thế nào. Chuyến hành trình đó của tôi đã
chuyển thành Roadtrip Nation, một tổ chức khảo sát nghề nghiệp đã xuất
bản cuốn cẩm nang dành cho học sinh cấp 2 và cấp 3 cũng như một xê ri
chương trình truyền hình về việc tìm công việc ý nghĩa.
Sau 15 năm nói chuyện với mọi người từ các CEO đến những chủ trại nuôi
gia súc, tôi đi đến kết luận rằng, hầu hết mọi người đều không chắc chắn
khi họ bắt đầu chọn ngành học. Những gì mà cuối cùng họ làm không phải
là kết quả trực tiếp của những chuyên ngành họ học, mà là kết quả của
một quá trình rất vòng vèo. Chuyên ngành mà họ học – dù là ngành mà họ
sẽ gắn bó với nó hay là họ sẽ ứng dụng nó trong những cách hoàn toàn mới
– chỉ là sự khởi đầu của việc kết hợp giữa sở thích, giá trị và những
kỹ năng công việc để họ bước chân vào công việc mà họ làm, đồng thời
phải nỗ lực để có thành quả trong công việc đó. Dưới đây là 4 bước mà
bạn có thể tham khảo khi chọn ngành học:
1. Chia tách mục tiêu của bạn với mục tiêu của mọi người dành cho bạn
Làm thế nào để bạn có thể làm nhỏ lại “tiếng ồn” hướng đến mình từ gia
đình, bạn bè và xã hội? Ví dụ, bố mẹ gợi ý rằng bạn nên là luật sư, các
nhà hoạch định chính sách định nghĩa đó là nghề “thành công” xét về thu
nhập, kể cả khi tiếng nói bên trong đầu bạn nói rằng bạn không đủ thông
minh.
Đối với đạo diễn được đề cử giải Oscar, Richard Linklater, “tiếng ồn”
đó nói rằng ngành nghệ thuật sẽ không dẫn đến đâu. Bạn bè và người thân –
những người mà ông tôn trọng – nói với ông rằng nên học trường Y hoặc
trường Luật. Nhưng Linklater cân nhắc lại: “Liệu họ có thực sự muốn bạn
trở thành một bác sĩ? Liệu họ có thực sự muốn bạn trở thành một luật
sư?”, ông tự hỏi. “Không, chỉ là bởi vì những nghề này nghe cũng hay
hay”. Và ông nhận ra rằng: “Tôi không muốn sống như họ. Tôi không mong
muốn cuộc đời của họ. Và thế là tôi từ chối nghe theo những lời khuyên
đó”.
Đạo diễn được đề cử giải Oscar, Richard Linklater.
Bỏ học tại Trường đại học Sam Houston State University sau năm thứ hai,
Richard Linklater làm việc ở một giếng dầu. Ông dùng tiền tiết kiệm của
mình để mua dụng cụ và theo học một lớp về phim ảnh ở một trường đại
học cộng đồng. Đạo diễn phim “Boyhood” thực sự đã thách thức sự kỳ vọng của người thân khi quyết chọn ngành mình yêu thích.
2. Quên đi đam mê; hãy theo đuổi một sở thích
Phần lớn các lời khuyên chọn ngành học đều có câu “kinh điển”: “Hãy
theo đuổi đam mê”. Nhưng đam mê không phải là thứ bạn phát hiện được
theo thời gian, thay vào đó, bạn hãy bắt đầu bằng cách tìm một sở thích,
dù nhỏ nhoi, và nuôi dưỡng nó. Đó không phải là sự thấu hiểu; đó là một
tập hợp những quyết định nhỏ sẽ thúc đẩy bạn từng bước nhỏ một.
Adam Steltzner, kỹ sư của Phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory
của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tốt nghiệp phổ thông, trượt
trường nhạc và chơi nhạc trong các ban nhạc rock để kiếm sống. “Tôi thực
sự chú ý khi tôi về nhà sau một đêm diễn thì thấy các ngôi sao trên bầu
trời đang ở một ví trí khác. Tôi nghĩ: “Ồ, các ngôi sao đang di chuyển.
Tại sao chúng di chuyển?”.
Khoảnh khắc đó đã trôi qua mà không thay đổi gì cuộc đời ông ngoại trừ
việc ông đã đi đăng ký một khóa Thiên văn học tại một trường cao đẳng
cộng đồng và nhà trường yêu cầu ông phải hoàn thành lớp vật lý trước đã.
Điều này đã khởi đầu con đường dài của ông để có bằng kỹ sư cơ học, lấy
bằng tiến sỹ và đưa robot thám hiểm Curiosity đến sao Hỏa.
Kỹ sư Adam Steltzner
Như vậy là Adam Steltzner đã không theo đuổi ngành kỹ sư bởi vì nó sẽ
giúp ông kiếm được công việc ổn định. Khi ông cảm thấy có chút tò mò,
ông đã theo đuổi nó. “Hãy theo đuổi tiến trình, thay vì theo đuổi mục
tiêu”, vị kỹ sư NASA khuyên.
3. Đặt quyết định của bạn vào hoàn cảnh thực tế
Cho dù bạn bị thu hút tới một ngành nghề nào đó bởi nó có triển vọng
phát đạt hay bởi vì bạn đam mê sâu sắc với nó, các chuyên gia cảnh báo
rằng: Hãy xác định xem liệu mong đợi đó có phù hợp với thực tế.
Veronica Belmont,
người dẫn chương trình trên truyền hình và web, nhà sản xuất chương
trình công nghệ và nhà văn (có 1,75 triệu người theo dõi trên Twitter),
khuyên rằng: “Nếu bạn thực sự đam mê tới một lĩnh vực nào đó, và bạn
thực sự muốn làm trong ngành đó, bạn phải biết ít nhiều về ngành đó
rồi”. Ngay từ bây giờ, bạn phải bắt đầu tìm hiểu dần ngành đó. Ví dụ như
theo dõi (trên Twitter, Facebook) của một người đã thành công trong
ngành đó để có thêm thông tin về ngành mà mình muốn theo đuổi; hoặc bạn
có thể đọc những tài liệu xuất bản về ngành đó để theo dõi xu hướng, hay
xem những bài phát biểu trên mạng…
Veronica Belmont
Khi đam mê trở nên sâu sắc hơn, hãy hòa nhập vào lĩnh vực bạn yêu thích
với công việc thực tập. Chính Veronica Belmont đã bắt đầu học nghề sản
xuất âm thanh tại Trường Emerson College ở Boston và học thêm ngành
Truyền thông khi cô quan tâm đến văn hóa Internet. Vị trí thực tập về
sản xuất âm thanh đã giúp cô dấn sâu hơn vào ngành này.
Điều quan trọng ở đây, Veronica Belmont nhấn mạnh, không phải là nắm
vững được điều gì mà là phải thử trước khi bạn đầu tư về thời gian và
tiền bạc trong vài năm để học về ngành đó.
4. Bạn phải làm tốt lĩnh vực của mình. Và phải linh hoạt!
Dấn bước vào thị trường việc làm, thất bại ở công việc mà bạn muốn
thành công, hay nhận ra một điều gì đó không lung linh như bạn tưởng –
những thực tế này sẽ khiến bạn phải dịch chuyển ít hoặc nhiều, thậm chí
phải thiết kế lại lý tưởng của mình.
Kế hoạch được hoạch định kỹ càng của Jad Abumrad trở nên bất thành khi
ông nhận ra mình không hợp với công việc mà ông nghĩ rằng chuyên ngành
mình học sẽ dẫn đến công việc đó. Ông học về soạn nhạc và viết sáng tạo
tại Trường đại học và Nhạc viện Oberlin với dự tính sẽ sản xuất phim.
“Cuối cùng thì điều đó chả đi tới đâu. Tôi chẳng giỏi lĩnh vực nào cả.
Và tới một độ nào đó, tôi từ bỏ. Tôi nghĩ kế hoạch của mình bị sai lầm”.
Và ông đã định làm lại từ đầu thì bạn gái ông khuyên rằng ông không phải từ bỏ những gì đã học. “Cô ấy gợi ý rằng Anh
có vẻ thích viết. Anh cũng thích sản xuất âm nhạc. Anh có thể không
thực sự giỏi trong cả hai lĩnh vực này, nhưng anh có thể làm một cái gì
đó mà kết hợp cả hai. Hãy thử làm về radio xem sao”.
Và đó không phải là một cuộc dịch chuyển nhẹn nhàng – ông bắt đầu bằng
việc làm không lương, nhưng ông đã sáng tạo với ý tưởng tạo ra một phong
cách radio mà kết hợp khoa học và kể chuyện với âm nhạc và âm thanh.
Hiện nay Jad Abumrad là nhà sản xuất và người dẫn chương trình Radiolab
nổi tiếng của đài WNYC, và công việc của ông gần gũi với những gì mà ban
đầu ông tưởng tượng cho mình, đó là kết quả của việc ông đã kết hợp các
ý tưởng cùng nhau.
Nhà sản xuất chương trình radio Jad Abumrad
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Nathan Gebhard kết luận, một ngành học
không phải là một “cái án cả đời”, đó chỉ là một điểm mà bạn bắt đầu.
Bạn sẽ vẫn phải va vấp và phải điều chỉnh. Nhưng nếu bạn sống cuộc đời
của mình bằng cách kết nối những điểm nhỏ liên tiếp xảy đến với mình,
bạn sẽ mở ra cho bản thân những khả năng mà bạn chưa từng hoạch định.
Theo
New York Times