“Trống” trong đào tạo kỹ năng sống cho sinh viên trong các trường sư phạm
Tại
cuộc họp, các thành viên nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân
dẫn tới một số vấn đề về văn hóa ứng xử trong trường học gây bức xúc
trong xã hội thời gian qua. Trước hết đó là sự tác động của mặt trái nền
kinh tế thị trường dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay
đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Một
bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và
tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội. Trong
chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống”
mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh
viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư
phạm, năng lực chuyên môn… là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo
chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh,
cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với
học sinh.
Đời
sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ
phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm
sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.
Chỉ
ra những tác động từ áp lực cuộc sống dẫn tới việc nhiều bậc phụ huynh
phó thác con cái họ cho nhà trường làm cho mối quan hệ nhà trường - gia
đình ở một số nơi còn lỏng lẻo hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một
số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em,
nhóm nghiên cứu cho rằng, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp
quản lý giữa gia đình - nhà trường sẽ là mấu chốt để mang lại hiệu quả
tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Nghiên
cứu từ thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện
nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học
sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm
đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng
dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo
dục khác đóng vai trò “dạy người” còn “khiêm tốn”, ở một số nơi bị xem
nhẹ.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là vấn đề mà chương trình giáo dục phổ thông mới cần nghiên cứu và giải quyết.
Hiện
nay, một số trường phổ thông đã xây dựng được các quy tắc ứng xử trong
nhà trường nhưng về cơ bản còn chung chung, đa số học sinh chưa quan
tâm, giáo viên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy nhóm nghiên
cứu đề xuất, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đưa ra một khung quy tắc văn
hóa ứng xử trong trường học chi tiết để học sinh, giáo viên, phụ huynh
có thể thực hiện, kèm theo đó là chế tài thưởng - phạt cụ thể và tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”
Phát
biểu định hướng tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc lại một số
sự việc xảy ra gần đây thể hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường và cho
rằng, dù đó chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng với xu hướng tăng lên,
rõ ràng cần những giải pháp chấn chỉnh mang tính lâu dài và bền vững.
Đề
cập tới hàng loạt các nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới
văn hóa ứng xử trong trường học, Bộ trưởng cho rằng, việc đổi mới chương
trình giáo dục phổ thông theo hướng giảm tải kiến thức, tăng cường dạy
“người” thời gian qua đã được làm rất tốt nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục
làm tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang
triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”
Bộ
trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra, chương trình các môn học về đạo đức,
giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất
lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng
đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy
những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo
đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành
khác.
Bộ
trưởng nhấn mạnh thêm, thời gian qua, hệ thống văn bản hướng dẫn của
ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện văn hóa ứng xử trong trường học đã được
ban hành kịp thời, góp phần tạo ra hành lang pháp lý cho quá trình
triển khai tại cơ sở nhưng một số ít quy định trong đó vẫn còn chung
chung, thiếu điều kiện thực hiện, thiếu chế tài, thiếu kiểm tra giám
sát, dẫn tới quá trình thực hiện trong thực tế có lúc, có nơi chưa hiệu
quả.
Bộ
trưởng yêu cầu, trước mắt ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây
dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư
duy khi đưa ra các qui định, đảm bảo các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện,
dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế
tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm
của học sinh, giáo viên, phụ huynh…
“Đừng
quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên
quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy
cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào hay giáo viên gặp học sinh phải
niềm nở, vui vẻ… có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám
sát, đánh giá được” - Bộ trưởng yêu cầu.
Hiện
nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai 3 đề tài khoa học cấp nhà nước về xây
dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, thông qua mối
quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức, lối sống văn
hóa và đề xuất mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu của
chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu
và ban soạn thảo xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường phổ thông
bám sát, khai thác những kết quả nghiên cứu này để có cơ sở thực tiễn
cho quá trình xây dựng.
“Bộ
quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông phải được ban hành
trước năm học mới 2018-2019 để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học,
kèm theo đó là các chế tài đủ mạnh. Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm
xây dựng văn hóa ứng xử trường học hiệu quả trong thời gian tới” - Bộ
trưởng khẳng định.